Theo con đường nhỏ nằm dọc bên nhánh sông hiền hòa ở ấp Phú Hùng, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, Đoàn chúng tôi đến tận nơi để thấu hiểu và chia sẻ với nỗi khó nhọc của gia đình em Đỗ Thị Anh Thư - tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin trường Đại học An Giang.

Tân sinh viên Đỗ Thị Anh Thư - Lớp DH15TH, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường
Tân sinh viên Đỗ Thị Anh Thư - Lớp DH15TH, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Môi trường

Khó khăn chồng chất khó khăn…

Hiện ra trước mắt chúng tôi là căn nhà sàn cũ kĩ chẳng có gì đáng giá. Đón tiếp chúng tôi là hai bà cháu với nụ cười đôn hậu, chân chất và hiếu khách. Chứng kiến cảnh Thư phải di chuyển chậm rãi, khó khăn trên sàn nhà, chúng tôi cảm thấy lòng trĩu nặng và hơn hết là cảm phục ý chí vượt khó đến trường của em.

Vào năm Thư lên hai tuổi, căn bệnh ngặt nghèo sốt bại liệt đã cướp đi của em tuổi thơ hồn nhiên chạy nhảy và cắp sách đến trường bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa. Hơn mười tám năm qua, mọi sinh hoạt cá nhân của em đều cần đến sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè. Và cũng ngần ấy thời gian em sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm yêu thương của cha mẹ. Nói là mồ côi thì cũng không hẳn là mồ côi, vì cha em đã có gia đình khác, còn mẹ em thì đi đâu biệt tăm. Bà nội là người đã cưu mang, đùm bọc em trong suốt chặng đường gian nan ấy.

Năm nay bà nội Thư đã ngoài lục tuần và sau lần bị bệnh tai biến,sức khỏe của bà đã giảm sút nhiều nên bà không thể dìu dắt cháu mình tiếp tục con đường học tập phía trước. Nói đến đấy, mắt bà ngấn lệ. Gia đình không ruộng đất, từng lon từng lít gạo hàng ngày chỉ trông chờ vào số tiền làm thuê mướn “ai kêu gì làm nấy” của người con thứ tám. Vì thu nhập bấp bênh thế nên cũng có những hôm bà nội và chú tám phải nhường phần cơm cho Thư…. Những lời chia sẻ như chạm đến tận tâm can người nghe, những tâm sự làm chúng tôi không thể cầm được lòng mình.

Ý chí chiến thắng khó khăn

Mặc dù khuyết tật và hoàn cảnh gia đình nghèo khó như thế nhưng Anh Thư vẫn nuôi hy vọng tri thức nơi trường học sẽ giúp Thư đến với cuộc đời rộng mở, tươi sáng hơn. Mười hai năm ròng rã đến trường trên lưng của chú tám và bạn bè phổ thông cùng với sự nỗ lực miệt mài ôn luyện đã giúp Thư thi đỗ vào ngành Đại học Công nghệ thông tin trường ĐHAG.

Ngồi đối diện với chúng tôi là một cô bé với vóc người nhỏ nhắn, chân tay teo tóp và làn da xanh xao vì ốm yếu nhưng lại sở hữu gương mặt sáng trưng, thanh tú hiển hiện sự mạnh mẽ của ý chí, quyết tâm vượt lên số phận. Những tờ giấy khen từ bậc Tiểu học cho đến bậc Phổ thông mà em lưu giữ cẩn thận là minh chứng cho ý chí phấn đấu không ngừng của em. Điều mà tôi cảm thấy khâm phục nhất ở Thư đó chính là mặc dù đôi tay em thiếu linh hoạt nhưng em lại là chủ nhân của nhiều giải thưởng “Vở sạch chữ đẹp”.

Trò chuyện với chúng tôi, bà nội Anh Thư xúc động kể về những năm tháng vất vả chăm sóc, bồng bế và lo cho cháu ăn học. Vì thương cháu quá ham học nên gia đình cố gắng lo cho Thư học hành tới nơi tới chốn. Đến khi biết tin Thư đỗ đại học, gia đình lo nhiều hơn mừng. Để có thể hoàn thành chương trình học đại học là muôn vàn khó khăn đối với Thư. Từ trước đến giờ, em chưa một ngày rời xa vòng tay của bà nội thì làm sao em có thể sống một cuộc sống tự lập như bạn bè cùng trang lứa. Trong suốt bốn năm học ấy, không biết là có người bạn nào sẽ giúp đỡ em? Đứng trước tình cảnh ấy, Thư đã từng băn khoăn hoặc là học tiếp để tương lai tươi sáng hơn, có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh tương tự mình hoặc là kết thúc con đường học tập, an phận để gia đình bớt phần gánh nặng…

Nhớ lại những ngày trước, em gọi điện thoại cho tôi, giọng em nghẹn ngào, ngập ngừng. Có lúc em im lặng thật lâu… Có lẽ bên kia đầu dây, em đang khóc. Em mong được nhà trường hoàn lại số tiền học phí, vì hoàn cảnh quá khó khăn, bà nội đã phải chạy vạy lo vay mượn cho em nhập học. Rồi đây con đường phía trước quả thật là một thách thức vượt quá khả năng của em và gia đình. Thế nên, em xin tạm gác lại ước mơ đến giảng đường…

Cần hơn nữa những tấm lòng

Biết được hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tân sinh viên Anh Thư, thầy Hoàng Xuân Quảng – Phó Hiệu trưởng trường ĐHAG mặc dù bận nhiều việc nhưng với cái tâm của một nhà giáo và trách nhiệm của một người quản lý, thầy đã tạm gác lại hết công việc để cùng đại diện Đoàn khoa đến tận nhà em, ở một xã vùng sâu vùng xa để chia sẻ những khó khăn của em và động viên gia đình cho em đi học. Khi trở về trường, thầy trực tiếp chỉ đạo Phòng Công tác sinh viên, Ban quản lý Ký túc xá sắp xếp chỗ ở cho em và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ ban đầu cho em một chiếc xe lăn và cái laptop để em yên tâm, sớm thích nghi và hòa nhập với môi trường mới.

Nhờ những lời động viên và sự hỗ trợ kịp thời từ nhà trường, Thư chính thức  nhập học mặc dù đã trễ hơn so với các bạn cùng lớp gần nửa tháng. Có thể nói, những gì mà lãnh đạo nhà trường và Đoàn thể thực hiện chỉ phần nào giúp Anh Thư vượt qua những khó khăn trước mắt; song về lâu dài vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm cùng sẻ chia, giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn đang khát khao được đến trường và vượt lên số phận… Đặc biệt hơn là Anh Thư cần lắm những người bạn chân thành làm “đôi chân” đồng hành với Thư trong suốt bốn năm Đại học...

Huỳnh Cam – TV
eNews

Anh Thư được các tình nguyện viên hỗ trợ trong suốt các ngày thi Đại học - Cao đẳng Chú tám cõng Thư đến trường Thầy Hoàng Xuân Quảng - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện Đoàn khoa KT-CN-MT đến thăm và vận động gia đình Anh Thư Anh Thư cùng thầy cô và bạn bè tại Ký túc xá Anh Thư được bố trí nội trú tại phòng 113, Ký túc xá Tỉnh An Giang